How To Create Responsive Blogger Templates.

TOEIC không khó

Video of the Day

Latest Post

Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2017

0

Làm thế nào để thực sự cải thiện khả năng nghe tiếng Anh của bạn

Liệu bạn có đang gặp phải những vấn đề phiền nhiễu như thế này không?

  • Bạn cho rằng rất khó để có thể cải thiện được khả năng nghe tiếng Anh của mình.
  • Bạn không có thời gian để cải thiện khả năng nghe tiếng Anh của mình.
  • Suốt một thời gian dài khả năng nghe của bạn vẫn không tiến bộ (mặc dù là bạn nghe tiếng Anh thường xuyên).

Nếu bạn đang gặp phải những vấn đề kiểu như vậy, thì nên đọc bài viết này.

MỤC LỤC NỘI DUNG

  1. Lý do tại sao mà hầu hết mọi người bị thất bại trong việc cải thiện khả năng nghe tiếng Anh của mình
  2. Những người nghe tiếng Anh quá nhiều cũng sẽ bị thất bại
  3. Làm thế nào để có thể “thành công” cải thiện được khả năng nghe của bạn (ngay cả khi không có nhiều thời gian)
  4. Tài liệu nghe tiếng Anh nào là tốt nhất
  5. Phải làm gì khi bạn nghe không hiểu
  6. Lời khuyên đặc biệt dành cho những người mới bắt đầu
  7. Trở ngại lớn nhất ở những người luyện nghe trình độ trung cấp - là khả năng nghe của họ tiến bộ rất chậm!!!
  8. Lý do mà khả năng nghe của bạn tiến bộ rất chậm (mặc dù bạn nghe tiếng Anh rất nhiều)
  9. Vậy phải làm gì để những người luyện nghe trình độ trung cấp “nhanh chóng” cải thiện được khả năng nghe của mình
  10. Tóm tắt
  11. Điều cuối cùng bạn cần biết

Hãy cùng bắt đầu nào.

Lý do tại sao mà hầu hết mọi người bị thất bại trong việc cải thiện khả năng nghe tiếng Anh của mình

Chỉ có duy nhất một lý do khiến mọi người thất bại: đó là mọi người vẫn chưa nghe tiếng Anh đủ nhiều.

Nó có nghĩa là: Nếu bạn dành ra 1,000 giờ để nghe tiếng Anh, thì khả năng nghe của bạn chắc chắn sẽ được cải thiện.

Nhưng thật không may, đây chính là những gì mà nhiều người vẫn làm để cải thiện khả năng nghe của mình:

  • Xem một vài bộ phim bằng tiếng Anh mỗi tuần.
  • Nghe bất cứ thứ gì bằng tiếng Anh 3-5 lần một tuần.
  • Nghe tiếng Anh 15 phút mỗi ngày.

Việc làm này vẫn còn rất yếu. Chưa đủ mạnh để tạo ra sự khác biệt.

Hãy thử nghĩ xem. Nếu bạn nghe tiếng Anh 15 phút mỗi ngày, thì từ giờ cho đến năm sau, bạn sẽ chỉ nghe được 91 giờ tiếng Anh.

Điều này là chưa đủ. Bạn sẽ phải mất rất nhiều năm mới thấy được sự tiến bộ của mình.

Những người nghe tiếng Anh quá nhiều cũng sẽ bị thất bại

Có một vài người bỏ ra hàng giờ đồng hồ mỗi ngày để nghe tiếng Anh. Họ nghĩ rằng, để có thể cải thiện được khả năng nghe của mình, thì cần phải luyện tập thật nhiều.

Đáng tiếc là, nhóm người này cũng thường bị thất bại trong việc cải thiện khả năng nghe của mình.

Tại sao lại như vậy?

Vâng, đây là những gì vẫn thường xảy ra với nhóm người này:

  1. Lúc đầu, bọn họ đều rất hứng thú với việc cải thiện khả năng nghe của mình.
  2. Họ quyết định nghe tiếng Anh 2 tiếng mỗi ngày.
  3. Sau một thời gian, họ cảm thấy khó khăn khi phải ép buộc bản thân thực hành.
  4. Và cuối cùng, họ mất dần động lực và bỏ cuộc.
  5. Bởi vì họ bỏ cuộc quá sớm, nên khả năng nghe của họ chưa được cải thiện.

Đó là cách mà rất nhiều sinh viên tiếng Anh “kiên trì” rồi thất bại. Họ luyện tập rất nhiều khi mới bắt đầu, rồi sau đó là đầu hàng sớm chỉ vì rất khó để duy trì được thói quen này.

Còn đây là bài học cần rút ra: Để có thể cải thiện khả năng nghe của mình, bạn buộc phải nghe tiếng Anh trong một khoảng thời gian dài.

Việc nghe tiếng Anh vài tiếng mỗi ngày “trong một tháng” thôi thì vẫn chưa đủ. Bạn cần làm điều đó suốt mấy tháng trời (hoặc thậm chí là một năm).

Làm thế nào để có thể “thành công” cải thiện được khả năng nghe của bạn (ngay cả khi không có nhiều thời gian)

Bạn có muốn khả năng nghe của mình được hoàn thiện hay không?

Nếu bạn có thể làm được hai điều này, thì tôi đảm bảo là bạn sẽ thành công 100%:

  1. Hãy nghe tiếng Anh thật nhiều mỗi ngày.
  2. Thực hiện nó trong một khoảng thời gian dài.

Nhưng phải làm thế nào nếu bạn không có nhiều thời gian?

Vâng, tôi sẽ chia sẻ với các bạn phương pháp mà trước đây tôi đã sử dung. Dưới đây là những gì bạn cần làm:

Bước 1: Hãy thêm thật nhiều tài liệu nghe tiếng Anh vào smartphone của bạn

Những loại tài liệu tiếng Anh nào chúng ta cần thêm vào điện thoại?

Podcasts (Các chương trình truyền thanh).

Podcasts là các audio shows (tương tự như các chương trình radio), và bạn có thể download từ Internet miễn phí.

Có hai cách để thêm podcasts vào điện thoại:

Lựa chọn A: Nếu điện thoại của bạn có kết nối Internet, thì hãy làm theo các bước sau đây:

  1. Cài đặt ứng dụng podcasts trên điện thoại của bạn. (Tôi sử dụng Pocket Casts.) Ứng dụng này sẽ giúp bạn nghe các chương trình truyền thanh.
  2. Sử dụng ứng dụng podcast để tìm kiếm và đăng ký các chương trình truyền thanh mà bạn thích.
  3. Sau đó, thì bạn có thể tải các podcasts này vào điện thoại.

Để biết thêm chi tiết về cách làm, bạn hãy xem qua bài viết sau.

Lựa chọn B: Nếu điện thoại của bạn không có kết nối Internet (hay bạn không muốn sử dụng quá nhiều Internet trên điện thoại), thì hãy làm theo các bước sau đây:

  1. Sử dụng Google để tìm kiếm các chương trình truyền thành mà bạn có thể tải xuống dưới dạng tập tin MP3 (hoặc bạn cũng có thể truy cập vào trang này.)
  2. Download các chương trình truyền thanh trên máy tính của bạn.
  3. Chuyển hết các chương trình truyền thanh đã tải về vào điện thoại.
  4. Bởi vì các chương trình truyền thanh này đều là các tệp MP3, nên bạn có thể nghe chúng bằng cách sử dụng bất kỳ trình chơi media nào mà bạn chọn.

Vấn đề là bạn phải thực hiện nó ra sao. Điều quan trọng là nguồn tài liệu luyện nghe tiếng Anh phải luôn có sẵn trong điện thoại của bạn (để bạn có thể nghe tiếng Anh bất cứ khi nào bạn muốn.)

Ngay khi điện thoại của bạn chứa đầy tài liệu luyện nghe, thì đã đến lúc chuyển sang bước 2.

Bước 2: Hãy biến thời gian nhàm chán thành thời gian để luyện nghe

Đây là bước vô cùng quan trọng.

Thay vì nghe tiếng Anh “lúc rảnh rỗi”, bạn hãy nghe nó cùng những hoạt động sau đây:

  • Lái xe.
  • Đi xe buýt hoặc đi tàu.
  • Làm việc nhà (rửa bát, nấu ăn,...)
  • Tập thể dục.
  • Đang chờ đợi một việc gì đó.
  • … và còn nhiều hoạt động khác nữa.

Những hoạt động này đều có một điểm chung: Họ không cần phải tập trung cao độ hay phải có lối tư duy mạnh mẽ.

Trong suốt một ngày, sẽ có rất nhiều hoạt động giống như những ví dụ điển hình ở bên trên. Đây là thời điểm thích hợp nhất để có thể cải thiện được khả năng nghe của bạn!

Với phương pháp này, bạn sẽ dễ dàng nghe được tiếng Anh trong vòng 1-2 tiếng mỗi ngày. Vì bạn không phải dành thời gian để luyện tập, nên bạn sẽ ít khi bỏ cuộc.

Đây là cách đơn giản và chắc chắn nhất để có thể cải thiện được khả năng nghe tiếng Anh của bạn. Nếu bạn sử dụng phương pháp này đủ lâu, thì khả năng nghe tiếng Anh của bạn chắc chắn sẽ được cải thiện.

Tài liệu nghe tiếng Anh nào là tốt nhất

Khi bàn đến nguồn tài liệu luyện nghe tiếng Anh, thì có rất nhiều các lựa chọn khác nhau:

  • Phim.
  • Truyền hình nhiều tập.
  • Podcasts.
  • Các chương trình truyền hình.
  • Video trên Youtube.
  • Audio book.
  • ...

Rất nhiều sinh viên cảm thấy bị choáng ngợp bởi điều này. Họ không rõ mình phải nghe gì.

Vậy thì hãy để tôi chia sẻ với các bạn quan điểm của bản thân về những nguồn tài liệu tốt nhất dành cho hầu hết các sinh viên tiếng Anh (cho cả những người mới bắt đầu và những người luyện nghe trình độ trung cấp).

Tôi tin rằng “podcasts” là nguồn tài liệu tốt nhất để luyện nghe.

Đây là lý do:

Lý do 1: Bạn sẽ dễ dàng dành thời gian cho việc luyện nghe podcasts.

Như tôi đã nói trước đó, để có thể cải thiện được khả năng nghe của mình, thì bạn cần phải luyện tập THẬT NHIỀU. Bạn cần phải nghe tiếng Anh bất cứ khi nào có thể.

Lý do khiến tôi yêu thích podcasts là bởi vì chúng đều là “audio”. Bởi vậy nên, bạn có thể nghe chúng khi lái xe, tập thể dục,... Nó sẽ giúp bạn nghe được thật nhiều tiếng Anh mỗi ngày (mà không cần phải tốn thêm thời gian).

Đáng tiếc là, điều này là không thể được với các tài liệu bằng “video” chẳng hạn như phim hay các chương trình truyền hình. (Bạn không thể xem video trong khi lái xe.)

Đó là lý do tại sao tôi không khuyến khích bạn sử dụng video hay bất cứ thứ gì ở định dạng video .

Lý do 2: Podcasts được gói gọn thành các đoạn hội thoại.

Tài liệu luyện nghe tốt nhất là những tài liệu mà mọi người nói chuyện với nhau không ngừng.

Tài liệu tồi tệ nhất là những tài liệu mà cứ 10 phút trôi qua thì chỉ có duy nhất vài câu nói.

Rất nhiều bộ phim và truyền hình nhiều tập đều như vậy. Chúng chứa quá nhiều cảnh phim mà không có hay có rất ít các đoạn hội thoại. (Các bộ phim hành động là một ví dụ điển hình. Ai đó có thể ngồi xem 100 bộ phim hành động nhưng lại không cảm nhận được bất kỳ sự tiến bộ nào trong luyện nghe cả.)

Khác với các bộ phim và truyền hình nhiều tập, podcasts thường là các đoạn hội thoại thuần túy. Đó là lý do mà podcasts là lựa chọn tuyệt vời dùng làm tài liệu luyện nghe.

Lý do 3: Podcasts thường dễ hiểu hơn các bộ phim (và truyền hình nhiều tập).

Nhiều sinh viên cố gắng cải thiện khả năng nghe của mình bằng cách xem phim.

Tuy nhiên, các đoạn hội thoại trong phim thực sự rất khó hiểu.

Đó là vì, trong phim, các diễn viên có khuynh hướng cường điệu hóa cách nói chuyện. Họ thì thầm, la hét, lẩm bẩm,... Điều này khiến chúng trở nên khó hiểu. Ngoài ra, các hiệu ứng nhạc và âm thanh trong phim đôi khi có thể rất lớn. Điều này gây khó khăn khi nghe những gì các nhân vật đang nói.

Thật ra thì, ngay cả những người nói tiếng Anh bản địa cũng gặp khó khăn trong việc hiểu các đoạn đối thoại trong phim!

Bạn không tin tôi ư? Sau đây sẽ là một số minh chứng rõ nhất:

Đó là lý do tại sao, đối với những người mới bắt đầu hoặc những người luyện nghe trình độ trung cấp, thì các bộ phim là một lựa chọn không tốt khi dùng làm tài liệu luyện nghe.

Lý do 4: Có rất nhiều podcasts miễn phí trên Internet.

Bởi vì bạn cần phải nghe tiếng Anh thật nhiều, nên tài liệu bạn sử dụng phải là miễn phí nếu không thì việc cải thiện khả năng nghe của bạn sẽ biến thành một việc làm gây tốn kém.

Và các bạn hãy đoán thử xem. Hiện có đến hơn 100,000 podcasts tiếng Anh. Con số này thật tuyệt vời. Tin vui là những podcasts này đều miễn phí.

Với số lượng podcasts này, thì bạn có thể tìm thấy bất kỳ các chương trình truyền thanh nào bạn muốn:

  • Các chương trình truyền thanh của Mỹ.
  • Các chương trình truyền thanh của Anh.
  • Các chương trình truyền thanh về các chủ đề mà bạn yêu thích.
  • Các chương trình truyền thanh dễ hiểu.
  • Các chương trình truyền thanh hơi khó hiểu.
  • ...

Lời kết: Tôi khuyên bạn nên nghe podcasts để có thể cải thiện được khả năng nghe của mình bởi vì:

  • Podcasts đều là audio.
  • Podcasts được gói gọn thành các đoạn hội thoại.
  • Có rất nhiều podcasts miễn phí.

Phải làm gì khi bạn nghe không hiểu

Khác với phim ảnh, hầu hết các chương trình truyền thanh đều không có transcript. Nếu bạn không thể nhận ra một vài từ, hay thậm chí là một vài câu nói, thì chẳng còn cách nào để biết được những từ đó/những câu đó là gì.

Nếu vậy, bạn cần phải làm gì khi điều đó xảy ra?

Vâng, có ba việc bạn có thể làm.

Việc 1: Đừng làm gì hết

Chẳng phải chuyện gì to tát nếu bạn nghe không hiểu một số phần của đoạn hội thoại chỉ cần bạn nắm được ý chính thôi. Bạn không cần phải đọc transcript chỉ bởi vì bạn không thể nhận ra một vài từ/một vài câu nói.

Chắc hẳn các bạn sẽ thắc mắc, “Nếu không đọc, thì tôi làm sao có thể hiểu được nghĩa của từ vựng mới?”

Đây là mối băn khoăn thường gặp. Một số sinh viên tiếng Anh cho rằng để có thể học từ mới, họ chắc chắn phải tra từ điển. Họ cho rằng đó là cách duy nhất để học từ mới.

Nhưng đâu phải vậy! Sự thật là, bộ não tuyệt vời của bạn có khả năng hiểu được nghĩa của những từ vựng mới theo ngữ cảnh (xung quanh từ đó). Đây là cách bạn học tiếng mẹ đẻ của mình (không có sử dụng bất kỳ transcript hay từ điển nào).

Vậy nên, đừng lo lắng nếu bạn không biết được một vài từ khi nghe. Nếu bạn nghe ai đó nói những từ đó nhiều lần trong các ngữ cảnh khác nhau, thì não bộ của bạn sẽ hình dung ra được nghĩa của những từ vựng đó.

Nhưng sẽ thế nào nếu những gì mà bạn đang nghe là quá khó, và bạn thậm chí còn không nắm được ý chính? Bạn sẽ phải làm gì?

Lúc này, bạn cần tiến hành việc thứ 2.

Việc 2: Nghe những thứ “dễ hiểu hơn”.

Khi một số sinh viên bắt đầu nghe một cái gì đó, họ cố gắng hoàn thành nó ngay cả khi nó quá khó hiểu. Cố gắng làm vậy thì quả là gian khổ. Chỉ sau một thời gian, những sinh viên này nói chung thường sẽ từ bỏ việc cải thiện tiếng Anh của mình!

Hành động này thật ngớ ngẩn. Có rất nhiều tài liệu tiếng Anh miễn phí trên Internet. Và tài liệu tiếng Anh được tạo ra mỗi ngày. Chính vì thế, thực sự bạn không cần phải “hoàn thành” bất cứ thứ gì từ đầu.

Nếu những gì mà bạn đang nghe là quá khó (hay rất nhàm chán), bạn chỉ cần xóa nó đi và hãy tìm kiếm những thứ khác để nghe.

Nhưng sẽ thế nào nếu hầu hết mọi thứ đều quá khó với bạn? Bạn sẽ phải làm gì?

Lúc này, bạn cần tiến hành việc thứ 3.

Việc thứ 3: Hãy đọc tiếng Anh để có thể nâng cao vốn từ vựng của bạn.

Nếu bạn cảm thấy mọi thứ mình nghe đều quá khó hiểu, thì chắc chắn vốn từ vựng của bạn rất hạn hẹp. Đó là lý do tại sao bạn gặp khó khăn trong việc hiểu được hầu hết các đoạn hội thoại bằng tiếng Anh.

Trong trường hợp này, tôi khuyên bạn là, ngoài việc nghe tiếng Anh, thì bạn cũng nên đọc tiếng Anh để mau chóng biết thêm được từ và cụm từ thông dụng thường được dùng trong các đoạn hội thoại. Những nguồn tài liệu tôi khuyên bạn nên đọc, hãy cùng xem thử nhé.

Lưu ý: Nếu bạn đã biết được khá nhiều các từ vựng thông dụng, và lý do chính khiến bạn gặp khó khăn trong việc hiểu đó là bởi vì bạn chưa giỏi đoán nhận được các từ nói quá nhanh, thế thì bạn không cần phải đọc tiếng Anh. Bạn chỉ cần chú trọng vào việc luyện nghe tiếng Anh thật nhiều.

Lời khuyên đặc biệt dành cho những người mới bắt đầu

Nếu bạn là người mới bắt đầu, thì dưới đây sẽ là một số lời khuyên đặc biệt dành cho bạn:

Hãy tiến hành với những việc làm nhỏ khi mới bắt đầu

Lúc đầu, đừng làm bất cứ điều gì vì nó sẽ khiến bạn nản lòng và sớm bỏ cuộc. Nếu bạn rút lui, thì mọi thứ sẽ CHẲNG CÓ Ý NGHĨA GÌ.

Như tôi đã nói lúc trước rằng bạn cần phải nghe tiếng Anh thật nhiều. Dù vậy khi mới bắt đầu, bạn cũng đừng quá lo lắng về điều đó. Ngược lại, hãy tập trung vào việc luyện nghe tiếng Anh “mỗi ngày” (thậm chí chỉ 10-15 phút mỗi ngày).

Ở giai đoạn này, mục tiêu của bạn KHÔNG PHẢI là để cải thiện khả năng nghe của mình. Mục tiêu của bạn là để xây dựng thói quen nghe tiếng Anh đều đặn. Một khi thói quen được hình thành, thì việc cải thiện khả năng nghe của bạn sẽ khá dễ dàng.

Những việc bạn KHÔNG NÊN làm khi mới bắt đầu (bởi vì chúng có thể khiến bạn chùn bước và đâu hàng sớm):

  • Nghe một cái gì đó quá khó hiểu.
  • Ép buộc bản thân phải nghe tiếng Anh vài tiếng mỗi ngày.
  • Dằn vặt bản thân khi cảm thấy mình chưa luyện tập đủ.

Khi mới bắt đầu (tháng đầu tiên), bạn chỉ cần nghe 10-15 phút mỗi ngày. Và cũng chỉ cần nghe những tài liệu dễ mà thôi. Chỉ cần đảm bảo rằng bạn thực hiện nó mỗi ngày (hoặc gần như mỗi ngày).

Nếu bạn không thể nghe tiếng Anh trong một vài ngày, điều đó cũng bình thường thôi. Đừng tự dằn vặt bản thân. Đừng dùng nó làm cái cớ để từ bỏ. Cứ thư giãn đi nào, và hãy hứa với bản thân rằng bạn sẽ nghe tiếng Anh vào hôm sau (hoặc khi nào bạn có thời gian).

Trở ngại lớn nhất ở những người luyện nghe trình độ trung cấp - là khả năng nghe của họ tiến bộ rất chậm!!!

Có khá nhiều người luyện nghe trình độ trung cấp cảm thấy khả năng nghe của họ nhiều năm liền không có tiến bộ, mặc dù họ vẫn nghe tiếng Anh thường xuyên.

Vấn đề này bản thân tôi cũng đã nếm trải qua.

Khi bắt đầu cải thiện khả năng nghe của mình, chẳng mấy chốc tôi có thể nhận ra được sự tiến bộ của mình.

Thế nhưng, theo thời gian, điều này càng trở nên khó khăn đối với tôi. Tôi vẫn luyện nghe tiếng Anh đều đặn, có điều khả năng nghe của tôi dường như tiến bộ với tốc độ rất chậm.

Tại thời điểm đó, tôi không hiểu lý do là vì sao. Thế nhưng hiện tại thì tôi đã hiểu.

Lý do mà khả năng nghe của bạn tiến bộ rất chậm (mặc dù bạn nghe tiếng Anh rất nhiều)

Nếu bạn chẳng hề nhận thấy được sự tiến bộ đặc biệt nào trong khả năng nghe của bạn từ lâu lắm rồi, thế thì đây chính là nguyên nhân:

Bạn tiếp tục nghe những câu chuyện mà bạn có thể “dễ dàng” hiểu được

Chẳng hạn như:

  • Bạn tiếp tục nghe với những diễn giả, những người mà bạn đã có thể hiểu được rõ ràng.
  • Bạn chỉ nghe tiếng Anh Mỹ hoặc tiếng Anh Anh, chứ không phải là cả hai.
  • Bạn tiếp tục nghe cùng một chủ đề. Chẳng hạn như: bạn chỉ nghe các chương trình truyền thanh về kinh doanh.

Đừng hiểu sai ý của tôi. Bạn hoàn toàn có thể nghe những tài liệu dễ. Bởi vì nó vẫn có thể cải thiện được khả năng của bạn. Nhưng hãy cẩn thận. Nếu bạn chỉ nghe những tài liệu dễ, thì đừng mong đợi thấy được sự tiến bộ nhanh chóng và đặc biệt.

Điều này cũng giống như việc bạn cố gắng cải thiện khả năng chơi piano của mình chỉ bằng cách thực hành các bài hát dễ. Điều đó không đem lại hiệu quả.

Vậy phải làm gì để những người luyện nghe trình độ trung cấp “nhanh chóng” cải thiện được khả năng nghe của mình

Câu trả lời là: Hãy nghe những tài liệu tiếng Anh khó.

Hãy để tôi giải thích cho các bạn nghe.

Trước tiên, hãy phân chia các tài liệu tiếng Anh trên thế giới thành 3 nhóm:

  • Tài liệu tiếng Anh quá khó.
  • Tài liệu tiếng Anh dễ.
  • Tài liệu tiếng Anh khó.

Chúng ta hãy cùng bàn luận xem nhóm tài liệu nào thích hợp nhất (và tại sao).

Nhóm 1: Tài liệu tiếng Anh quá khó

Tài liệu quá khó là tài liệu mà khi bạn nghe, bạn thậm chí không thể nắm được “ý chính”.

Quả là phí phạm thời gian khi nghe một cái gì đó mà bạn không hiểu. Cho nên, đây là loại tài liệu mà bạn nên tránh.

Nhóm 2: Tài liệu tiếng Anh dễ

Tài liệu dễ là tài liệu mà bạn có thể hiểu được hầu hết các từ/các câu. (Chẳng hạn như: một cuộc trò chuyện giữa hai người mà cả hai đều nói chuyện một cách rõ ràng).

Lý do mà nhiều người luyện nghe trình độ trung cấp gặp khó khăn trong việc cải thiện khả năng nghe của mình. Đó là bởi bì họ chỉ nghe những tài liệu tiếng Anh kiểu này.

Nhóm 3: Tài liệu tiếng Anh khó

Tài liệu khó là những cuộc trò chuyện hay những bài phát biểu mà bạn không thể nghe được từng từ hoặc từng câu, nhưng bạn vẫn nắm được ý chính.

Ví dụ về những tài liệu khó:

  • Những cuộc trò chuyện mà mọi người nói khá nhanh (nhưng bạn vẫn hiểu được cuộc trò chuyện).
  • Những cuộc trò chuyện có chứa những từ và cụm từ mà bạn không biết (nhưng bạn vẫn nắm được ý chính).
  • Những cuộc trò chuyện mà bạn có thể nghe hiểu được 80-90% các câu.

Đây là loại tài liệu tiếng Anh thích hợp nhất để luyện nghe.

Bạn có biết tại sao những người mới bắt đầu có thể tiến bộ nhanh vậy không? Đó là bởi vì, với họ, hầu hết mọi thứ mà họ nghe đều rất khó. Khi bạn đối mặt với những tài liệu khó, thì bạn sẽ tiến bộ nhanh chóng.

Nếu bạn là một người luyện nghe trình độ trung cấp hay cao cấp và muốn mau chóng tiến bộ, thì phải đảm bảo rằng bạn nghe thật nhiều các tài liệu khó.

Sau đây sẽ là một vài ý tưởng về cách để làm được điều đó:

  • Hãy nghe phát ngôn viên những người nói chuyện không rõ ràng - Đừng tiếp tục lắng nghe những người mà bạn hoàn toàn có thể hiểu được (thường thì những người này nói chuyện rất rõ ràng). Mỗi người khác nhau sẽ có những cách nói chuyện khác nhau. Có một vài người nói chuyện có thể khó hiểu hơn so với những người khác. Bạn phải chắc rằng mình cũng có thể nghe được những gì họ nói.
  • Hãy nghe các cuộc trò chuyện về nhiều chủ đề khác nhau - Không tiếp tục nghe các cuộc trò chuyện về cùng một chủ đề nữa. Và cũng nên nghe các chủ đề mà bạn có hiểu biết hạn chế hoặc rất ít.
  • Nghe cả Anh Anh lẫn Anh Mỹ - Nếu bạn đã nghe tốt một trong những accent này rồi, thì bạn cũng nên luyện tập thêm những accent khác.

Tóm tắt

Và đây là những điều quan trọng nhất mà bạn học được từ bài viết này:

  1. Bạn phải nghe thật nhiều tiếng Anh mỗi ngày. Cách tốt nhất để làm điều đó mà không cần tốn thêm thời gian là hãy nghe tiếng Anh cùng các hoạt động mà không cần đến sự tập trung cao độ hay lối tư duy mạnh mẽ.
  2. Podcasts là lựa chọn thích hợp dùng làm tài liệu luyện nghe.
  3. Nếu bạn là người mới bắt đâu, thì bạn hãy tiến hành với những việc nhỏ. Và nếu có thể, bạn cũng nên đọc tiếng Anh để mau chóng biết thệm được các từ vựng thông dụng nhất.
  4. Nếu khả năng nghe của bạn ở trình độ trung cấp và dường như không có tiến bộ, thì hãy nghe thật nhiều những tài liệu khó.

Điều cuối cùng bạn cần biết

Mọi thứ mà tôi chia sẻ trong bài viết này sẽ là một bài hướng dẫn, chứ không phải là một qui tắc không thể phá vỡ.

Nếu bạn không đồng ý với một số điều mà tôi đã nói, thì cứ thoải mái bỏ qua chúng.

Chẳng hạn như: Tôi đã nói lúc trước rằng các bộ phim truyền hình nhiều tập thường quá khó đối với hầu hết các sinh viên. Nhưng nếu các bạn tình cờ biết được một bộ phim truyền hình nào phù hợp với bạn, thì cứ thoải mái sử dụng để cải thiện khả năng nghe của mình.

Còn đây là một ví dụ khác nữa: Tôi khuyên bạn nên nghe cả Anh Anh lẫn Anh Mỹ. Thế nhưng, nếu bạn chỉ muốn cải thiện khả năng nghe hiểu những gì người Mỹ nói (có thể hiện tại bạn đang làm việc hoặc học tập ở Mỹ), thì bạn chỉ cần nghe tiếng Anh Mỹ.

Ý tôi là, bạn không cần phải tin tưởng hay làm theo những gì mà tôi nói. Hãy coi lời khuyên của tôi là một bài hướng dẫn chứ không phải là một qui tắc.



Thứ Ba, 26 tháng 12, 2017

0

Nâng cao động lực học tiếng Anh

Nâng cao động lực học tiếng Anh

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ chia sẻ với các bạn phương pháp giúp nâng cao động lực học tiếng Anh như là một ngoại ngữ. Chúng tôi sử dụng chúng mọi lúc mọi nơi khi học tiếng Anh và vẫn tiếp tục sử dụng chúng mỗi khi cần nâng cao động lực của mình ở các lĩnh vực khác ngoài tiếng Anh.

Thử tưởng tượng bản thân bạn trong tương lai

Hãy tưởng tượng việc bạn có thể trò chuyện với người bản xứ hệt như tiếng mẹ đẻ. Hãy tưởng tượng những người khác cũng mong muốn có thể nói được tiếng Anh giỏi như bạn. Hãy tưởng tượng bạn có thể viết e-mail cho mọi người từ khắp nơi trên thế giới.

Sẽ rất hữu ích nếu bạn đọc các bài viết nói về những lợi ích của việc học tiếng Anh. Có đến 2 bài viết trên trang Antimoon: Tại sao chúng ta phải học tiếng Anh hay Tiếng Anh sẽ khiến bạn cảm thấy hạnh phúc hơn.

Bạn cần phải biết rằng bạn hoàn toàn có thể học giỏi tiếng Anh. Hãy cùng xem những người đã làm được điều đó.

Hãy nhớ là mình đã làm khá tốt

Bạn đã biết chút ít tiếng Anh (lúc này bạn đang đọc một bài viết bằng tiếng Anh). Đó quả là một thành công lớn! Bây giờ là lúc để thành công hơn nữa. Đã đến lúc bắt đầu sử dụng nhưng phương pháp mạnh mẽ để học tập hiệu quả. Đầu tư thời gian để có thể tích lũy kiến thức về tiếng Anh thật ấn tượng.

Hãy nhớ rằng có rất nhiều điều mà bạn chưa biết

Bạn giỏi thật đấy, thế nhưng tiếng Anh của bạn chưa chắc đã hoàn hảo. Bạn chẳng thể hiểu nổi các kênh truyền hình bằng tiếng Anh, đọc những cuốn sách viết bằng tiếng Anh, trò chuyện với người bản xứ một cách thoải mái, viết những lá thư mà không bị mắc lỗi,...

Bạn đừng bao giờ nghĩ rằng tiếng Anh của mình thật hoàn hảo. Thậm chí ngay cả khi bạn là sinh viên xuất sắc nhất trong lớp, hãy luôn cố gắng tìm ra điểm yếu của bản thân và khắc phục chúng. Khi nào bạn nói được tiếng Anh trôi chảy, thì những vấn đề của bạn sẽ trở nên rất nhỏ bé: dấu chấm câu, các cấu trúc ngữ pháp rất hiếm khi được sử dụng, những từ hiếm gặp, hiểu được "ngôn ngữ đường phố". Lúc này đây, những vấn đề của bạn có lẽ sẽ cơ bản hơn nhiều: những lỗi sai trong phát âm, vốn từ vựng hạn hẹp, vấn đề ngữ pháp với thì hiện tại hoàn thành và các cấu trúc câu điều kiện.

Sử dụng tiếng Anh bất cứ khi nào bạn muốn

Và có lẽ cách quan trọng nhất để nâng cao động lực của bản thân chính là hãy sử dụng tiếng Anh.

Việc sử dụng tiếng Anh sẽ rất thú vị. Nói đơn giản là bạn sẽ thấy hứng thú khi sử dụng nó để đọc một cuốn sách hay, hiểu được lời một bài hát, xem một bộ phim hấp dẫn, có được câu trả lời cho những vấn đề xảy ra với máy tính, trao đổi e-mails với người bản xứ,... Sử dụng tiếng Anh càng nhiều thì bạn sẽ càng muốn sử dụng nó.

Điều này thật tuyệt vời, bởi lẽ sử dụng tiếng Anh cũng chính là học tiếng Anh. Mỗi lần bạn đọc một bài viết hay, xem một bộ phim hấp dẫn, thì bạn không những đang sử dụng tiếng Anh, mà bạn còn học thêm được từ và những cụm từ mới. Mỗi lần bạn viết thông điệp trên các diễn đàn tiếng Anh, thì bạn không những đang sử dụng tiếng Anh, mà bạn còn đang thực hành viết lách.

Ngoài ra việc sử dụng tiếng Anh cũng giúp bạn cải thiện được quan điểm chung về tiếng Anh và làm tăng thêm động lực học tiếng Anh theo nhiều cách khác nhau. Chẳng hạn như, nếu bạn thấy kiến thức về phát âm tiếng Anh của mình giúp bạn hiểu được một bộ phim hay có thể nói được rõ ràng hơn, bạn sẽ có động lực muốn học phát âm hay hơn nữa. Nếu bạn thấy việc kiểm tra câu văn bạn viết bằng công cụ tìm kiếm, cái mà báo cho bạn biết câu văn mình viết không có lỗi sai, bạn sẽ muốn tiếp tục làm việc đó. Nếu bạn ghi nhớ từ bằng SRS (spaced-repetition software) và sau đó bạn gặp chúng trong một bộ phim hay một bài viết, bạn sẽ muốn bổ sung thêm nhiều cái vào SRC của mình.

Nói chuyện với mọi người bằng tiếng Anh

Đây là một phương pháp rất đơn giản, nhưng rất hiệu quả. Cách thực hiện:

Bạn sẽ nói về những điều mà bạn quan tâm. Nhưng mà điều ngược lại cũng đúng. Nếu bạn bắt đầu nói về một chủ đề nhàm chán, bạn sẽ bắt đầu thấy hứng thú với nó.

Hãy tưởng tượng bạn đang tìm hiểu về một chủ đề mà bạn không hề thích. Bạn sẽ thấy chán và mệt mỏi, nhưng bạn cần phải vượt qua bài kiểm tra ngày mai. Nếu có ai đó ở cạnh, bạn có hai lựa chọn: bạn có thể nói cho họ biết bạn đang rất khổ sở hoặc bạn có thể nói cho mọi người về những gì bạn học được. Nếu bạn lựa chọn cách đầu tiên, bạn sẽ chỉ cảm thấy tệ hơn.

Nếu bạn chọn cách thứ hai, và bắt đầu một cuộc đối thoại về chủ đề “nhàm chán”, bạn sẽ bắt đầu nhìn nhận nó một cách hoàn toàn khác. Đột nhiên, nó trở thành một chủ đề đáng nói tới - vì thế nên, nó là một chủ đề thú vị.

Làm thế nào để bắt đầu một cuộc trò chuyện? Nếu bạn đang học tiếng Anh, bạn có thể làm ai đó ngạc nhiên khi nói chuyện với anh ta/cô ta bằng tiếng Anh. Nói (bằng tiếng Anh): Hi, I’m studying English and I hate it (Xin chào, tôi đang học tiếng Anh và tôi ghét nó). Hoặc bạn có thể nói (bằng tiếng mẹ đẻ): Hey, I’ve learned 50 English words today. Do you know what’s the English word for ...? (Xin chào, ngày hôm nay tôi đã học 50 từ tiếng Anh. Cậu có biết là những từ vựng tiếng Anh để làm gì không...?) Nếu không có ai ở cạnh bạn, bạn có thể gọi điện hoặc gửi email cho bạn bè của mình.

Họ sẽ nói gì? Có thể họ sẽ không quan tâm đến, nhưng chuyện đó không quan trọng, điều quan trọng là: Sau khi thảo luận về vấn đề, bạn sẽ học nó với niềm đam mê nhiều hơn nữa. Cố lên!

Tìm một người bạn đang học tiếng Anh

Nếu bạn có thể tìm được một người bạn học tiếng Anh và hiện đang ở trình độ tương tự thì hết sức tuyệt vời.

Bạn sẽ có người để cùng nói tiếng Anh. Những cuộc đối thoại này sẽ làm tăng hứng thú của bạn với tiếng Anh, như đã giải thích ở phần trước.

Việc học tiếng Anh sẽ trở nên đơn giản hơn nhiều, bởi vì bạn có thể trao đổi các vấn đề cùng với bạn bè của mình.

Bạn sẽ học tiếng Anh tốt hơn, bởi vì bạn mong muốn mình giỏi hơn bạn ấy.

Bạn nên gặp bạn bè của mình thường xuyên. Tốt nhất là anh ấy/cô ấy nên sống gần bạn hoặc học chung một trường với bạn. Nếu thật sự không tìm được ai sẵn sàng học tiếng Anh với bạn, có thể thử tìm kiếm ai đó qua email. Đây quả thực là một giải pháp hơi tệ: Cuộc đối thoại có thể sẽ không thường xuyên và rất khó để ganh đua với ai đó mà bạn không biết rõ.

Dành tiền học tiếng Anh

Nếu bạn bỏ tiền đầu tư vào cái gì đó thì bạn sẽ muốn dùng tới nó. Chẳng hạn như, nếu bạn mua một vợt tennis đắt tiền, có thể bạn sẽ ra ngoài chơi quần vợt mỗi ngày.

Qui tắc này cũng đúng cho việc học tiếng Anh. Nếu bạn muốn tăng thêm niềm đam mê học tiếng Anh, hãy mua một cuốn từ điển mới, một cuốn sách tiếng Anh, truyền hình cáp tiếng Anh,.... Ý tưởng rất đơn giản: Bạn trả tiền cho nó, bạn sẽ muốn dùng tới nó, và bạn sẽ nâng cao khả năng tiếng Anh của mình.

Có một vấn đề với phương pháp này. Nó chỉ có tác dụng trong một khoảng thời gian ngắn. Bạn thường mất đi đam mê học tập tiếng Anh sau vài ngày. Để tiếp tục học tập, bạn sẽ phải bỏ tiền ra mua một cái gì đó mỗi tuần.

Tuy nhiên, phương pháp này giúp ích rất nhiều, bởi vì nó mang lại cho bạn động lực để bắt đầu việc học. Chẳng hạn như, nếu bạn mua một cuốn từ điển cụm động từ, có thể bạn sẽ học một vài từ trong đó. Và sau đó, bạn cố gắng sử dụng chúng. Chẳng hạn như, viết email với những từ đó. Điều này sẽ làm tăng động lực của bạn (như đã giải thích trước đó), và bạn có thể học được nhiều hơn.

Tìm đọc “Unlimited Power - Đánh thức năng lực vô hạn” của Anthony Robbins

Cuốn sách của Anthony Robbins “Unlimited Power: The New Science of Personal Achievement” đưa ra những lời khuyên tuyệt vời về cách làm thế nào để đạt được mục tiêu. Cuốn sách này đã thay đổi cuộc sống của bao người, cho nên bạn hãy xem qua nó.

Hãy nhớ rằng việc học tiếng Anh bắt buộc phải hành động

Chúng tôi đã nhắc đến điều này nhiều lần rồi. Một hành động nhỏ còn mạnh hơn cả việc đọc hàng trăm bài viết. Vâng, chúng tôi biết là rất khó để hành động, ngay cả khi điều đó là tốt cho chúng ta. Con người chúng ta là những sinh vật lười biếng. Đó là lý do tại sao không có nhiều người nói tiếng Anh tốt.

Tuy nhiên, chúng tôi hi vọng bạn có thể làm được những điều chúng tôi đã trình bày trong phương pháp học tiếng Anh của chúng tôi - chứ không phải chỉ đọc thôi đâu. Bạn sẽ thành công chỉ khi nào bạn thay đổi vài thứ trong cuộc sống của mình.

Đừng trì hoãn. Hãy bắt đầu ngay đi.



Thứ Sáu, 22 tháng 12, 2017

0

Hình thức của động từ trong câu có động từ khuyết thiếu và trợ động từ

Động từ khuyết thiếu + động từ nguyên mẫu không to

Các động từ khuyết thiếu còn được gọi là động từ tình thái vì chúng dùng để chỉ phương thức, thái độ hành động của chủ ngữ.

1. Can - Could

Can:

  • Năng lực (ability)
    He can swim very fast.
    Anh ấy có thể bơi rất nhanh.
  • Sự cho phép (permission)
    You can borrow his car now.
    Bạn có thể mượn xe của anh ấy ngay bây giờ.
  • Khả năng xảy ra (possibility)
    The road can't be blocked now.
    Con đường không thể tắc nghẽn lúc này được.

Could:

  • Năng lực quá khứ (past ability)
    He could swim very well when he was young.
    Lúc còn trẻ anh ta có thể bơi rất giỏi.
  • Cho phép (permission)
    Could I smoke in here?
    Tôi có thể hút thuốc ở đây được không?
  • Khả năng khách quan (possibility)
    We could go with him now.
    Chúng tôi có lẽ sẽ đi theo anh ta ngay bây giờ.
  • Hệ quả (consequence)
    If I had more money I could buy a car.
    Nếu có thêm nhiều tiền tôi có thể mua một chiếc xe hơi.

2. May - might

May:

  • Cho phép (permission)
    You may borrow my car if you like.
    Bạn có thể mượn xe của tôi nếu bạn muốn.
  • Khả năng thực tế ( possibility)
    The road may be blocked now.
    Lúc này con đường có thể bị tắc nghẽn.

Might:

  • Cho phép
    Might I dance with you?
    Tôi có thể khiêu vũ với bạn không?
  • Khả năng thực tế (possibility)
    We might go to the concert now.
    Ngay bây giờ chúng tôi có thể đi tới buổi hoà nhạc.

3. Shall - should

Shall:

  • Sự tự nguyện (willingness)
    He shall get his money.
    Anh ta sẽ nhận được tiền.
  • Dự định (intention)
    I shan't be long.
    Tôi sẽ không chậm trễ đâu.
  • Sự nài nỉ (insistence)
    You shall do as I say.
    Bạn sẽ làm như tôi nói.

Should:

  • Sự bắt buộc (obligation)
    You should do as he says.
    Bạn cần làm theo lời anh ta nói.
  • Hệ quả (consequence)
    We should love to go if we had the chance.
    Chúng tôi sẽ đến đó nếu có cơ hội.
  • Điều kiện (condition)
    If you should change your mind, please let us know.
    Nếu bạn thay đổi ý kiến, hãy cho chúng tôi biết nhé.

4. Will - would

Will:

  • Sự tự nguyện (willingness)
    He'll help you if you ask him.
    Anh ta sẽ giúp đỡ bạn khi bạn nhờ vả.
  • Dự định
    I'll write as soon as I can.
    Tôi sẽ viết thư cho bạn sớm nhất có thể.
  • Nài nỉ
    He will do it whatever you say.
    Anh ta sẽ làm theo những gì bạn nói.
  • Sự tiên đoán (prediction)
    Oil will float on water.
    Dầu sẽ nổi trên mặt nước.

Would:

  • Tự nguyện
    Would you excuse me?
    Bạn tha thứ cho tôi nhé?
  • Nài nỉ
    You would take the baby with you.
    Bạn đem đứa bé đi cùng nhé.
  • Thói quen quá khứ (past habit)
    Every morning he would go for a long walk.
    Vào mỗi sáng anh ta sẽ đi bộ đường dài.
  • Hệ quả
    He would smoke too much if he had money.
    Nếu có tiền anh ta sẽ hút thuốc nhiều lắm.

5. Must

  • Sự bắt buộc
    You must be back by ten o'clock.
    Bạn cần phải về trước 10 giờ.
  • Sự cần thiết (theo logic-ligical necessity)
    He must be coming by soon.
    Anh ta chắc chắn phải đến bây giờ.

6. Ought to

  • Sự bắt buộc
    You ought to start at once.
    Bạn nên bắt đầu ngay.
  • Sự trông đợi (expectation)
    They ought to be here by now.
    Vào lúc này họ hẳn là đã đến.

7. Need

  • Sự cần thiết (dùng trong phủ định hoặc câu hỏi)
    They needn't attend the meeting.
    Họ không cần phải tham dự cuộc họp.
    Need he go now?
    Anh cần phải đi ngay bây giờ hả?

8. Dare

  • Sự dám, quả quyết
    The children daren't go there.
    Bọn trẻ không dám đi đến đó.

Have + quá khứ phân từ

Chỉ một hành động đã hoàn thành (để lại kết quả) hay quá trình xảy ra của một hành động.

Ví dụ:

Mr. Hoffman, the marketing director, has suggested that every department head works collaboratively to overcome the recent financial difficulty.

Ông Hoffman, giám đốc tiếp thị, đã đề nghị các trưởng phòng cố gắng hợp tác để khắc phục tình trạng khó khăn về tài chính trong thời gian gần đây.

Be + Ving/be + P.P

Be + phân từ hiện tại (Ving) được dùng với nghĩa chủ động.

Be + quá khứ phân từ được dùng với nghĩa bị động.

Ví dụ:

Over 75% of manufacturing companies will be increasing their online marketing budgets in 2007, according to the results of an annual survey conducted by SVM E-Business Solutions.

Hơn 75% các doanh nghiệp sản xuất sẽ gia tăng ngân sách tiếp thị trực tuyến của mình vào năm 2007, theo như kết quả khảo sát hàng năm do SVM E-Business tiến hành.

Do + động từ nguyên thể

Trợ động từ do thường thấy trong câu nghi vấn. Nhưng trong part 5, các câu đều là câu trần thuật nên do xuất hiện trong câu nhằm nhấn mạnh động từ hoặc để thành lập câu phủ định.

Ví dụ:

We do offer special promotions throughout the year.

Chúng tôi đưa ra các chương trình khuyến mãi đặc biệt trong suốt cả năm.

The engineers did not work yesterday.

Các kĩ sư đã không làm việc ngày hôm qua.



Thứ Ba, 19 tháng 12, 2017

0

Từ loại tiếng Anh qua những vần thơ

Trong bài viết này, chinh phục TOEIC 450 sẽ chia sẻ đến các bạn cách nhớ nhanh các từ loại trong tiếng anh thông qua những vần thơ câu chữ.

Bản tiếng Anh:

THE PARTS OF SPEECH

Every name is called a NOUN,

As field and fountain, street and town.

In place of noun the PRONOUN stands,

As he and she can clap their hands.

The ADJECTIVE describes a thing,

As magic wand and bridal ring.

The VERB means action, something done,

To read, to write, to jump, to run.

How things are done, the ADVERBS tell,

As quickly, slowly, badly, well.

The PREPOSITION shows relation,

As in the street, or at the station.

CONJUNCTIONS join, in many ways,

Sentences, words, or phrase and phrase.

The INTERJECTION cries out, "Hark!

I need an exclamation mark!"

Through poetry, we learn how each

Of these make up THE PARTS OF SPEECH.

Bản tiếng việt:

CÁC TỪ LOẠI TIẾNG ANH

Mỗi cái tên được gọi là DANH TỪ,

Như cánh đồng, cái giếng, phố xá, làng quê.

Thay cho danh từ, ĐẠI TỪ đứng thế,

Như anh ấy, cô ấy vỗ tay hát say mê.

TÍNH TỪ miêu tả mọi sự quanh ta,

Như chiếc đũa thần kì và chiếc nhẫn của cô dâu mới.

ĐỘNG TỪ chỉ hành động, những thứ được làm ra,

Khi ta đọc, ta viết, ta chạy nhảy.

Và những hành động ấy, nhanh, chậm, tốt hay tồi,

Do TRẠNG TỪ cho ta biết bạn ơi.

Đứng trên phố hay chờ giữa sân ga,

GIỚI TỪ cho ta biết nơi biết chốn.

LIÊN TỪ giúp ta làm phép nối,

Câu với câu, từ với từ, các ngữ với nhau.

Dấu chấm than kết thúc câu như sau:

"Ồ nghe kìa!" Đó là CÂU CẢM THÁN

Những vần thơ giúp ta nhớ thật lâu

CÁC TỪ LOẠI TIẾNG ANH phổ biến trong câu.

 



0

Những động từ thường đi cùng động từ nguyên thể có to

Động từ + tân ngữ + động từ nguyên thể có to (bổ ngữ cho tân ngữ)

Ask somebody to do something: yêu cầu ai đó làm gì.

  • Câu bị động: be asked to do something.
  • Từ đồng nghĩa: request somebody to do something.
  • Câu ví dụ:
    Applicants are asked to call the employment desk after 2:00.
    Các ứng viên được yêu cầu gọi điện đến văn phòng tuyển dụng sau 2h.

Urge somebody to do something: cố gắng thuyết phục ai đó làm gì.

  • Câu bị động: be urged to do something.
  • Từ đồng nghĩa: request somebody to do something.
  • Câu ví dụ:
    The human resources manager urged the executives to wait on firing the employee.
    Giám đốc nhân sự đã cố gắng thuyết phục ban giám đốc khoan hãy sa thải nhân viên.

Allow somebody/something to do something: cho phép ai/cái gì làm cái gì.

  • Câu bị động: be allowed to do something.
  • Từ đồng nghĩa: permit somebody to do something.
  • Từ mở rộng:
    Allowance (noun): sự cho phép, tiền trợ cấp.
    Allow for = make allowance for: kể đến, tính đến, chú ý đến (nhất là cho một khả năng tương lai).
    Allow somebody to do something = let + tân ngữ + động từ nguyên thể có to (bổ nghĩa cho tân ngữ).
    The recommended daily allowance: tiền trợ cấp được khuyến cáo sử dụng hàng tháng.
  • Câu ví dụ:
    The new programs allow students to enroll in classes two months earlier.
    Chương trình mới cho phép các bạn sinh viên đăng ký vô các lớp học sớm hơn 2 tháng.

Enable somebody to do something: cho phép ai đó làm gì.

  • Câu bị động: be enabled to do something.
  • Câu ví dụ:
    The recent tax plan will enable students to receive free meals at school.
    Dự luật thuế gần đây sẽ cho phép các bạn sinh viên có thêm bữa ăn miễn phí tại trường.

Be expected to do something: dự kiến sẽ làm gì.

  • Câu chủ động: expect somebody/something to do something.
  • Từ mở rộng: expectation (noun): sự mong đợi.
  • Câu ví dụ:
    Due to the overproduction of steel, the manufacturing cost is expected to drop.
    Do dư thừa sắt quá nhiều nên chi phí sản xuất dự kiến sẽ giảm.

Be required to do something: được yêu cầu làm gì, cần phải làm gì.

  • Câu chủ động: require somebody/something to do something.
  • Từ mở rộng:
    Requirement (noun): nhu cầu, yêu cầu, đòi hỏi.
    Require written permission: yêu cầu giấy phép bằng văn bản.
    The required documentation: tài liệu bắt buộc.
  • Câu ví dụ:
    Prospective buyers are required to submit financial records before they are approved.
    Những khách hàng tiềm năng được yêu cầu nộp bản ghi chép tài chính trước khi được chấp thuận.

Động từ + động từ nguyên thể có to (tân ngữ)

Decide to do something: quyết định làm gì đó.

  • Từ mở rộng:
    Decision (noun): quyết định.
    Decisive (adjective): quyết định, dứt khoát.
    Decidedly (adverb): dứt khoát, rõ ràng.
  • Câu ví dụ:
    Share prices in the company skyrocketed after they decided to bring in a new CEO.
    Sau lần quyết định đưa về đây một giám đốc điều hành mới thì giá cổ phiếu của công ty đã tăng vọt.

Plan to do something: lên kế hoạch làm gì, dự định sẽ làm gì, sẽ làm gì.

  • Từ mở rộng:
    Planning (noun): kế hoạch hoá, hoạch định, kế hoạch.
    Announce plans to do something: công bố, thông báo kế hoạch sẽ làm gì.
    The planning stage: giai đoạn lập kế hoạch.
    Plan ahead: lập kế hoạch trước.
  • Câu ví dụ:
    The airlines plans to expand its presence in several smaller markets over the next year.
    Hãng hàng không dự định sẽ mở rộng sự hiện diện của mình tại một loạt các thị trường nhỏ vào năm tới.

Promise to do something: hứa hẹn sẽ làm gì.

  • Từ mở rộng: promising (adjective): đầy hứa hẹn.
  • Câu ví dụ:
    The latest plan promised to reduce the tax burden on the lower class.
    Kế hoạch mới đây hứa hẹn sẽ giảm bớt gánh nặng về thuế cho tầng lớp/giai cấp dưới.

Strive to do something: cố gắng làm gì đó.

  • Từ đồng nghĩa: endeavor to do something.
  • Từ mở rộng: strive for something: cố gắng, phấn đấu để đạt được điều gì đó.
  • Câu ví dụ:
    Our supermarkets strive to keep our prices low.
    Các siêu thị của chúng tôi cố gắng duy trì giá bán ở mức thấp.

Wish to do something: ước muốn, mong muốn làm điều gì đó.

  • Từ đồng nghĩa: want to do something.
  • Câu ví dụ:
    Those who wish to enroll in the class must do so prior to the end of the week.
    Những ai mong muốn tham gia vào khoá học thì cần phải đăng ký trước cuối tuần.


Social Time

Facebook
Like Us
Google Plus
Follow Us
Twitter
Follow Us
Pinterest
Follow Us

Đăng ký nhận bài viết mới

(Bài viết mới sẽ được gửi đến hộp thư đến của bạn)